Quạt PWM 4 chân có gì khác so với quạt 3 chân?

Quạt PWM 4 chân có gì khác so với quạt 3 chân ?

PWM là viết tắt của pulse width modulation (điều chế độ rộng xung, điều chế thời gian xung). Nói cho tường tận về kỹ thuật này thì sẽ rất mất thời gian, trong bài viết này anh em chỉ cần nhớ rằng đây là một kỹ thuật dùng để kiểm soát chính xác tốc độ quay của quạt tản nhiệt và bơm nước trong case.

Đối với mấy cái quạt thông thường (như quạt trần và quạt máy ở nhà) thì chúng ta có thể thay đổi tốc độ của chúng bằng cách thay đổi cường độ dòng điện thông qua điện trở. Trở càng nhỏ thì dòng điện càng lớn, động cơ điện nhận càng nhiều năng lượng và xoay càng nhanh. Đối với các quạt và bơm PWM và thì khác, tốc độ của chúng được kiểm soát bằng cách đóng mở nguồn điện liên tục. PWM giống như một cái công tắc vậy, nó đóng mở dòng điện liên tục. Thời gian giữa mỗi lượt mở là cố định nhưng thời gian mở trong mỗi lượt là có thể thay đổi. Thời gian mở càng lâu, động cơ sẽ xoay càng mạnh và tốc độ sẽ càng cao. Thay vì tăng giảm cường độ dòng điện như quạt bình thường thì quạt PWM sẽ chỉ có 2 mức cường độ dòng điện, tối đa hoặc bằng không.

Để sử dụng quạt PWM thì chúng ta phải có một chiếc mainboard có hỗ trợ quạt PWM và phần mềm hỗ trợ điều chỉnh tốc độ quạt. Hiện nay thì hầu hết các mẫu main board đều sẽ có ít nhất một cổng 4 chân cho quạt PWM, các mẫu main thuộc hàng flagship luôn thì sẽ có tử 4 – 6 cổng.

Khả năng kiểm soát tốc độ động cơ điện của kỹ thuật PWM cũng mang đến nhiều lợi ích cho bơm và quạt. Chúng giúp cho hệ thống tản nhiệt chạy yên tĩnh hơn ở mức tải thấp, đồng thời nâng cao tuổi thọ cho hệ thống tản nhiệt, đặc biệt là giảm hao mòn vòng bi của động cơ quạt, bơm vì không phải lúc nào cũng chạy ở công suất tối đa. Một thông tin nữa cho anh em nào chưa biết thì hầu hết quạt trên tản nhiệt PC, từ cùi bắp như tản stock intel cho đến mấy cái quạt trên tản xịn của Noctua đều là PWM hết, bơm của tản nước cũng vậy luôn.

Rate this post