Xét nghiệm AMH: Chỉ số bình thường – thấp – cao

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận – Khoa Sản Phụ Khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Xét nghiệm này đóng vai trò rất quan trọng trong đánh giá khả năng sinh sản, đặc biệt ở người bị suy buồng trứng sớm. Vậy chỉ số AMH bình thường, thấp và cao có ý nghĩa như thế nào ?

1. Xét nghiệm AMH là gì ?

AMH (Anti-mullerian Hormone) được tiết trực tiếp bởi các tế bào hạt của nang noãn buồng trứng và có liên quan trực tiếp với số lượng nang noãn nguyên thủy trong buồng trứng. Lượng AMH cho biết số nang noãn non hiện có trong buồng trứng, hay còn gọi là dự trữ buồng trứng. Dự trữ buồng trứng càng tốt có nghĩa là khả năng sinh sản của buồng trứng càng cao và ngược lại.

Xét nghiệm AMH đóng vai trò quan trọng trong việc xác định khả năng sinh sản của buồng trứng, đặc biệt ở bệnh nhân bị suy buồng trứng sớm. Nồng độ AMH sẽ hằng định, không thay đổi theo chu kỳ kinh nên có thể thực hiện vào bất kỳ ngày nào của chu kỳ kinh. Đây là ưu điểm của xét nghiệm AMH so với xét nghiệm FSH trước đây. Do vậy, giúp việc xét nghiệm đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng trở nên thuận tiện hơn nhiều cho bệnh nhân. Trước đây, các xét nghiệm đánh giá chức năng buồng trứng (FSH, LH, E2) phải thực hiện vào đầu chu kỳ kinh (ngày 2-4).

Chỉ số AMH

2. Chỉ số AMH bình thường, thấp và cao có ý nghĩa như thế nào ?

2.1 Chỉ số AMH bình thường

Nồng độ AMH không thay đổi đáng kể trong suốt chu kỳ kinh và giảm dần theo tuổi. Ở phụ nữ khỏe mạnh và dưới 38 tuổi, nồng độ AMH bình thường nằm trong khoảng từ 2,0 – 6,8ng/ml (14,28 – 48,55 pmol/L). Ngoài ra, nồng độ AMH cao hơn giá trị trên cũng quan sát thấy ở những phụ nữ buồng trứng đa nang

2.2 Chỉ số AMH thấp

Chỉ số AMH thấp khoảng 1,0-1,5 ng/ml cho thấy khả năng dự trữ của buồng trứng bị suy giảm, tuy nhiên vẫn có cơ hội mang thai. Còn chỉ số AMH < 1ng/ml được xem là thấp và tiên lượng trong hầu hết các trường hợp là rất khó có thai. Vì trứng thu được ít, mà nguy cơ cao không có trứng loại I, nên cơ hội đậu thai vô cùng hiếm.

Chỉ số AMH

Nồng độ AMH ở trong máu > 6,8 ng/mL thường gặp ở bệnh nhân bị buồng trứng đa nang và nếu không được điều trị thích hợp thì bệnh nhân cũng sẽ khó có thai. Ngoài ra, nếu kích trứng bằng các loại uống như Clomid, Clostilbegyt, Duinum, Serophene, Profertil, Ovuclon, Ovophene,…thì AMH quá cao sẽ dễ dẫn đến thất bại. Còn trường hợp kích trứng bằng các loại thuốc tiêm, thì khi chỉ số AMH quá cao sẽ rất khó canh liều và dễ xảy ra quá kích buồng trứng.

Xét nghiệm AMH là một xét nghiệm khá mới, nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định khả năng sinh sản của buồng trứng, đặc biệt trước khi thực hiện kích trứng hay thụ tinh trong ống nghiệm. Hiểu rõ về chỉ số này sẽ giúp ước đoán khả năng sinh con và kịp thời đưa ra các biện pháp điều trị thích hợp nhằm tăng khả năng mang thai.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận nguyên là Trưởng khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng, Trưởng đơn nguyên IUI ( Bơm tinh trùng vào buồng tử cung) – Bệnh viện Hoàn Mỹ – Đà nẵng. Bác sĩ đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, tư vấn và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa như:

  • Khám và tư vấn hiếm muộn, thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như: Kích trứng, theo dõi canh noãn, bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI)
  • Khám, siêu âm, tầm soát và điều trị các bệnh lý phụ khoa
  • Phẫu thuật nội soi u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

Rate this post