Công tước – Wikipedia tiếng Việt

Công tước (tiếng Trung: 公爵; bính âm: Gōngjué, tiếng Anh: Duke, tiếng Pháp: Duc) là 1 tước hiệu xếp sau Hoàng đế, Quốc vương, Phó vương và Đại Công tước trong hệ thống tước hiệu quý tộc Châu Âu và Đông Á.

Tùy vào từng thời kì và mỗi vương quốc mà mạng lưới hệ thống Công tước có nhiều điểm giống nhau lẫn khác nhau .

Tại Trung Quốc, vào thời phong kiến cổ đại Trung Quốc, tước “Công” đứng đầu trong ngũ đẳng, bao gồm: “Công, Hầu, Bá, Tử và Nam”. Nguyên chữ [Tước; 爵] là một loại dụng cụ uống rượu thời nhà Chu, các chư hầu cần căn cứ 5 loại địa vị khác nhau sẽ mang một “tước” khác nhau, do vậy những Công hầu này được gọi chung là Tước vị (爵位)[1].

Giai đoạn Tây Chu, thời kỳ mà các Thiên tử vẫn còn địa vị rất mạnh, chính quyền nhà Chu dần hình thành hệ thống chư hầu, ngoài Thiên tử mang tước Vương thì tước Công là lớn nhất. Tuy tương đối hạn chế, nhưng các Công quốc cũng phát triển rất lớn mạnh và là nền tảng trong các chư hầu, thời đầu Tây Chu có 4 nước được sơ phong làm Công, gồm Tống, Quắc, Chu và Ngu. Sang thời Xuân Thu, bắt đầu xuất hiện rất nhiều Công quốc lớn mạnh, ảnh hưởng đến thời cuộc, phải kể đến Lỗ và Trịnh. Sang thời Chiến Quốc, thời kỳ “Lễ băng Nhạc hư”, Ngũ đẳng Tước chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, các nước tự xưng Vương.

Thời nhà Tần, triều đình theo chế độ “Nhị thập đẳng tước” (二十等爵), song trong đó không có tước Công, sau tước Vương là liền đến Hầu tước. Triều đại nhà Hán mô phỏng nhà Tần, cũng không phong tước Công vào hàng tước hiệu chính thức, chư hầu khác họ đều chỉ phong Hầu. Nếu phong tước Công, chỉ là trường hợp Nhị vương Tam khác (二王三恪) đặc thù thời nhà Chu, tức là chỉ phong các hậu duệ triều đại trước, hàm ý vỗ về trấn an. Thời Hán Thành Đế, hậu duệ nhà Chu là Chu Thừa Hưu hầu cùng hậu duệ nhà Thương là Ân Thiệu Gia hầu phong lên Công, sang thời Hán Bình Đế sửa làm Trịnh công (鄭公) cùng Tống công (宋公). Đến Đông Hán, các con trai của Hán Quang Vũ Đế cũng có tước Công, sau cũng nâng thành Vương, đến cuối thời Đông Hán mới có Tào Tháo thụ phong Ngụy công (魏公), địa vị đặc biệt ở trên các Vương.

Chi tiết về tước hiệu[sửa|sửa mã nguồn]

Mũ của Công tước ở Anh Mũ của Công tước ở Pháp Mũ của Công tước ở Tây Ban Nha

Tại các nước Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên, tước vị “Công tước” luôn được đặt chỉ ngay dưới tước Vương và rất cao quý. Nhà Hán chỉ sử dụng tước vị này cho con cháu của nhà Chu (tước Trịnh công 鄭公) và nhà Thương (tước Tống công 宋公), hoặc con cháu của Khổng Tử (tước Diễn Thánh công 衍聖公). Đến khi Tào Tháo thụ phong “Ngụy công”, thì chỉ có Hán Hiến Đế Lưu Hiệp từng bị giáng làm Sơn Dương công.

Đến nhà Đường lại thiết lập lại, có có các tước:

  • Quốc công [國公], phong hiệu cao nhất của một tước Công, chỉ dưới Quận vương.
  • Quận công [郡公], phong hiệu cao thứ 2 trong tước Công, có từ thời Tào Ngụy.
  • Huyện công [縣公], phong hiệu cao thứ 3 trong tước Công, có từ thời Tào Ngụy.

Phong hiệu của từng tước vị, tùy vào quy định của mỗi triều đại hoặc mỗi quốc gia mà có khác nhau. Thông thường tước Quốc công chỉ có một phong hiệu lấy từ tên của đất phong (thường là quận), như “Phong Quốc công”, “Vinh Quốc công”,…

Trong tiếng Latinh, tước hiệu Công tước được viết là: Dux có nghĩa là lãnh đạo, là một thuật ngữ được sử dụng dưới thời cộng hòa La Mã để đề cập đến một chỉ huy quân sự mà không có một thứ hạng chính thức (đặc biệt là một trong những nguồn gốc của Đức hoặc Celtic), và sau này nó được hiểu là người đứng đầu chỉ huy về quân sự của một tỉnh. Trong thời Trung Cổ, tước hiệu này được sử dụng đầu tiên dưới các triều đại quân chủ của Đức. Công tước là những người đứng đầu một tỉnh hay các thành phố, và sau này dưới thời quân chủ phong kiến thì đây là tước hiệu được phong cho những nhà quý tộc thân cận của vua.

Ở Vương quốc Anh và các nước Châu Âu khác, tước [Công tước; Duke] thường được trao cho các Vương tử (Prince) đã cưới vợ, nhưng không phải Vương tử nào cũng vậy. Vợ của các Công tước sẽ được trao danh hiệu [Công tước phu nhân; Duchess]. Tại Châu Âu, Công tước luôn có đất phân (là một cụm quận hay hạt), được gọi là [Duchy], và khác với cách gọi của ngôn ngữ Đông Á đem tên đất phong lên đầu, tước Duke của Châu Âu lại đem tên đất phong ở sau, xen giữa là chữ (of), ví dụ [Duke of Edinburgh], tức Công tước xứ Edinburgh.

Theo văn hóa Châu Âu, các Trữ quân tuy được định sẽ kế thừa Quốc tước (Vương) của cha, nhưng vẫn được phái đến đất phong cố định theo truyền thống cho đến khi chính thức thừa tước, đôi khi chỉ đơn giản là dành cho con trưởng. Điển hình như Công tước xứ Cornwall (Duke of Cornwall) là chức tước luôn được ban cho người con trai lớn tuổi nhất của vương thất Anh, và Công tước xứ Rothesay (Duke of Rothesay) cho Trữ quân của ngai vàng Vương quốc Scotland, tuy nhiên sau năm 1707 thì trở thành tước phong kèm theo Trữ quân của ngai vàng Anh, bên cạnh Thân vương xứ Wales. Hiện tại Charles, Thân vương xứ Wales vừa là Thân vương xứ Wales, vừa là Công tước xứ Rothesay. Sang thế kỷ 19, nhiều vùng đất nhỏ trong lãnh thổ nước Đức và Ý được cai trị bởi những Công tước hoặc Đại công tước. Ngày nay, ngoại lệ có công quốc Luxembourg được cai trị bởi một công tước. Công tước là tước hiệu thế tập cao nhất trong các vương triều ở Bồ Đào Nha, Scandinavia, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh.

Ngoài ra, các “Duke” cũng có thể sở hữu một công quốc tương tự các “Công tước” (Prince), ví dụ như: Công tước xứ Burgundy, Công tước xứ Normandy và Công tước xứ Aquitane,… và họ thường là chư hầu cho các vị Quốc vương (King) hoặc thậm chí có thể độc lập.

Vấn đề giải nghĩa[sửa|sửa mã nguồn]

Rắc rối nảy sinh khi từ Công tước thường được dùng để dịch một trong 2 từ tiếng Anh: Duke hoặc Prince. Trong trường hợp thứ 2, để tránh nhầm lẫn với Duke, người ta có thể thay bằng các từ khác như Quận công, Thân vương. Tuy nhiên, trong trường hợp Prince là quân chủ của một Principality thì có thể dùng Vương công, Công quốc vương cho nhất quán với tên nước.

Hiện nay ở châu Âu còn tồn tại 3 quốc gia loại Principality là Andorra, Liechtenstein và Monaco. Nguyên thủ các quốc gia này đều có tước hiệu Prince và đương nhiên được gọi là Vương công. Theo quy định, cùng cai quản Andorra là Tổng thống Pháp và Giám mục xứ Urgel, và hai người này cùng mang tước hiệu Đồng Vương công Andorra (Co-Prince of Andorra; coprince d’Andorre).

Các Công tước nổi tiếng[sửa|sửa mã nguồn]

Hoàng tử William, Công tước Cambridge

Tây Ban Nha[sửa|sửa mã nguồn]

Rate this post