Cơ chế hình thành bệnh nhược cơ (myasthenia gravis)

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh An Thiên Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh nhược cơ là căn bệnh hiếm gặp, là hiện tượng rối loạn dẫn truyền hệ thần kinh cơ, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như sụp mí, khó nuốt, khó thở,… thậm chí là tử vong. Hiện việc điều trị bệnh vẫn gặp nhiều khó khăn.

1. Bệnh nhược cơ là gì?

Bệnh nhược cơ (tên tiếng Anh: Myasthenia gravis) là một loại bệnh tự miễn dịch dẫn đến rối loạn dẫn truyền tại các điểm nối thần kinh – cơ. Từ đó, chức năng hoạt động của hệ cơ bị suy giảm. Người bệnh có biểu hiện sức cơ bị yếu dần, nặng hơn vào cuối ngày và sau khi vận động. Dù cấu trúc cơ và sức khỏe ở các hệ cơ quan khác bình thường nhưng người bệnh lại không làm được việc gì. Trong những giai đoạn điển hình, bệnh nhân thậm chí không thể nhấc tay lên.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tần suất nhiều hơn ở nữ dưới 40 tuổi và trên 70 tuổi, nam giới tuổi trên 50. Tỷ lệ mắc bệnh là 5/100.000 người. Bệnh nhân nhược cơ thường nhập viện trễ, dẫn đến khó thở, suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.

2. Cơ chế hình thành bệnh nhược cơ

Bình thường, các cơ co, vận động được nhờ xung động thần kinh phát sinh từ não bộ truyền qua nơi trao đổi thông tin giữa đầu mút sợi thần kinh và màng tế bào (synap) nhờ vào một chất dẫn truyền thần kinh được gọi là acetylcholin. Ở các trường hợp mắc bệnh nhược cơ, có hiện tượng cơ thể bệnh nhân sinh ra một loại kháng thể phá hủy các thụ thể tiếp nhận acetylcholin, khiến cho acetylcholin không vận chuyển được đến đầu sau của synap. Hậu quả là xung động thần kinh không dẫn truyền được và các cơ không vận động được, dẫn đến hiện tượng yếu cơ, liệt cơ – biểu hiện của bệnh nhược cơ.

Các cơ bị ảnh hưởng bởi bệnh nhược cơ là cơ vân, chi phối sự vận động chủ động của cơ thể. Các nhóm cơ thường bị ảnh hưởng nhất là các cơ ở mặt, mắt, tay chân, các cơ điều khiển hành động nhai, nuốt, nói chuyện,… Các cơ hô hấp cũng có thể bị ảnh hưởng.

3. Các tổn thương thường gặp ở bệnh nhân nhược cơ

  • Tổn thương cơ mắt – mi: Sụp mi là biểu hiện sớm nhất. Bệnh nhân bị sụp cả 2 mí, thường sụp mí không đều nhau và nặng dần theo thời gian trong ngày (thường không sụp mí rõ khi vừa ngủ dậy). Lúc này, người bệnh muốn nhìn thẳng sẽ phải ngước đầu, ngửa cổ. Khi cơ mắt bị tổn thương, phản xạ đồng tử của bệnh nhân yếu đi;

Cơ chế hình thành bệnh nhược cơ (myasthenia gravis)

  • Tổn thương các cơ thuộc hành tủy: Gồm cơ nói, cơ nhai, cơ hô hấp, cơ nuốt. Bệnh nhân bị teo lưỡi và run các thớ cơ, nét mặt đờ đẫn, mất linh hoạt. Khi bệnh tiến triển, việc nhai nuốt của bệnh nhân sẽ trở nên khó khăn, khi ăn uống dễ bị sặc, không ăn được thức ăn đặc. Nếu bị nặng, hàm dưới của người bệnh trễ xuống, phải dùng tay đỡ và đẩy lên;
  • Tổn thương các cơ ở chi và thân: Các cơ ở vai, cánh tay, vùng lưng và cơ gáy bị nhược khiến bệnh nhân không đứng và ngồi được lâu;
  • Nhược cơ hô hấp: Là thể bệnh nặng nhất, có biểu hiện khó thở, nhịp thở nông, chậm, có trường hợp bị rối loạn tâm thần, trụy tim mạch. Nếu không được cấp cứu nhanh, người bệnh có thể tử vong.

4. Lời khuyên của bác sĩ cho bệnh nhân nhược cơ

Khi bị bệnh nhược cơ, bệnh nhân cần hết sức chú ý tới các yếu tố góp phần làm bệnh nặng thêm để kiểm soát sự tiến triển của bệnh. Người bệnh nên lưu ý những điều sau:

  • Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, ăn đủ chất, bổ sung đầy đủ kali từ chuối, đu đủ vì thiếu kali có thể gây liệt cơ rất nặng;
  • Phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn (răng miệng, hầu họng,…) khi đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch;
  • Không nên tự ý sử dụng các thuốc có thể gây yếu cơ như thuốc an thần gây ngủ, thuốc giãn cơ, thuốc chống co giật,…;
  • Không tự ý bỏ thuốc khi đang được theo dõi điều trị nhược cơ vì thực tế cho thấy đa phần các trường hợp xuất hiện cơn nhược cơ nặng, tiến triển nhanh gây suy hô hấp phải vào viện cấp cứu là do bệnh nhân ngừng thuốc vì thấy bệnh ổn định, hoặc chuyển sang dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc;
  • Tránh căng thẳng thần kinh, ở trong nhiệt độ quá nóng, quá lạnh;
  • Không vận động, làm việc với cường độ quá cao và liên tục;
  • Khi có biểu hiện cơn nhược cơ tiến triển, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi và tư vấn điều trị.

Bệnh nhược cơ (myasthenia gravis) ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống, làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân khi bước sang giai đoạn nặng. Do đó, khi có các triệu chứng bất thường cảnh báo bệnh nhược cơ như sụp mi, yếu cơ, khó thở,… bệnh nhân nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

Rate this post