Thành ngữ “Tai vách mạch dừng” và “Rút dây động dừng”

(GLO)- “Tai vách mạch dừng”
Khi bị bắt về nhà Hoạn Thư, mụ quản gia đã khuyên Kiều:
Ở đây tai vách mạch dừng
Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi

(Nguyễn Du)

Trong kháng chiến, người ta kẻ lên áp phích:
Ở đây tai vách mạch dừng
Nhắn anh nhắn chị xin đừng ba hoa
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thành ngữ “tai vách mạch dừng” có 2 vế. Vế đầu, “vách” là bộ phận (thường làm bằng tre, nứa, gỗ…) để thưng xung quanh nhà hoặc để ngăn cách giữa các phòng, buồng trong nhà. “Tai vách” là vách, đã được nhân cách hóa để biết nghe. “Dừng” có 2 cách hiểu: 1. những thanh tre nhỏ đan ken vào nhau để tạo thành “bộ khung” của vách; 2. có một tên gọi khác là “dại”-như tấm mành hoặc tấm đan bằng tre che trước hiên thềm ở gian giữa các ngôi nhà truyền thống. Dù theo cách hiểu nào thì vẫn có nghĩa: chúng có những kẽ hở, liên quan tới nhau. Nôm na, ta hiểu “mạch” ở đây như “mạch máu”. Điều gì xảy ra ở “đầu” thì “đuôi” cũng chịu tác động và ngược lại.

Như vậy nghĩa đen của “tai vách mạch dừng” là vách có tai, dừng có mạch. Nghĩa bóng là: tưởng an toàn, vô sự nhưng rất dễ bị lộ bí mật, bị lan truyền. Bài học rút ra: cần kiệm lời, không nên ba hoa; nói năng phải cẩn thận kẻo những điều cần giấu kín sẽ bị lộ và lan truyền, gây hậu quả không mong muốn.

Với thành ngữ này, trong thực tế còn có người nói “tai vách mạch rừng”. Có thể là dị bản-một trong những đặc trưng của văn học dân gian truyền miệng hoặc do lỗi phát âm vùng Bắc bộ, không phân biệt được “d” và “r”. Nhưng trong vận dụng thì nó vẫn có nghĩa như sự phân tích ở trên.

“Rút dây động dừng”

“Dừng”-tấm mành làm bằng những thanh tre, nứa… vót tròn hoặc dẹt, được kết với nhau bằng những sợi mây, treo ở hiên thềm, gian giữa (như đã nói ở trên) có tác dụng ngăn nắng gió và tăng sự kín đáo cho phòng khách (ngồi bằng trường kỷ hay tấm phản). “Dừng” có thể buông xuống hoặc kéo lên cuộn tròn sát mái hiên bằng sợi dây thừng nhỏ. Vì vậy, “dây” và “dừng” có liên quan trực tiếp với nhau. Nếu đụng vào cái này sẽ khiến cái kia chuyển động. Đây là quan hệ nhân-quả mang tính tất yếu. Câu thành ngữ khuyên người ta cẩn trọng khi hành động. Không vì được mục đích trước mắt, tức thời mà tổn hại tới đại cục.

Lại có những cách dùng khác: “Rút dây động rừng”, “Rút mây động rừng” nhưng không mâu thuẫn với cách hiểu trên.

Chử Anh Đào

Rate this post